• 0917 983 978
  • (028) 73 039 366
  • contact@littlecanaryskool.com
  • Số 3, Đường 49, Khu Phố 4, Bình Trưng Đông, Thành Phố Thủ Đức, Hồ Chí Minh

Chăm sóc các “cụ” từ lúc nào? - ĐHN

Chăm sóc các “cụ” từ lúc nào? - ĐHN

01/01/2015

Chăm sóc các “cụ” từ lúc nào? - ĐHN

Có bạn hỏi thật hay! Tại sao tôi không phải là bác sĩ lão khoa mà dám viết về… người già? Đúng vậy, tôi là một bác sĩ nhi khoa – bác sĩ của trẻ con – nhưng sở dĩ viết về người già là bởi vì trước sau gì mấy “nhóc” mà tôi đã và đang chăm sóc cũng sẽ trở thành một người già, và hơn thế nữa, tôi nay cũng đã là một bác sĩ… già! !

Nửa thế kỷ trước, khi còn là sinh viên y khoa thực tập ở bệnh viện Từ Dũ, tôi đã có dịp đỡ đẻ cho một số trẻ sơ sinh, bây giờ nhớ lại, các “nhóc” đó cũng đã 50 cả rồi đó.  Còn mấy chú nhóc mà tôi có dịp khám chữa bệnh mấy chục năm qua thì bây giờ lại thấy mang trên tay một chú nhóc khác – là con của chú – đến khám!  


Thời gian đã trôi qua lúc nào đó vậy?  Cuộc sống như một dòng sông. Lão khoa, nhi khoa…chẳng qua là một cách gọi! Bác sĩ Từ Giấy trước đây thường nhắc chúng tôi:  “ Hãy chăm sóc các cụ từ trong… bụng mẹ”!


(hình net)

 

Tổ chức Sức khoẻ Thế giới (WHO) khi đưa ra những hướng dẫn cụ thể cho Năm quốc tế người cao tuổi cũng đã khuyến cáo muốn cho các cụ được khoẻ mạnh thì :

  • phải cho mẹ… các “cụ” được dinh dưỡng đầy đủ trong lúc mang thai, trong lúc cho các “cụ”… bú;
  • phải chích ngừa đầy đủ các bệnh nguy hiểm cho các cụ;
  • phải dạy dỗ các cụ từ tuổi ấu thơ như không nên uống rượu, không nên hút thuốc lá v.v… để tránh ung thư, viêm phổi tắt nghẽn mạn tính, xơ gan cổ trướng;
  • rồi phải dạy các cụ có thói quen tốt như tập thể dục, chơi thể thao, ăn uống đúng cách để tránh xơ vữa động mạch, tăng huyết áp, tiểu đường, béo phì, loãng xương, thấp khớp…

 

Tóm lại, chăm sóc các cụ, nói cách nào đó, thực chất là công tác của … Nhi khoa!

 

Ngành lão khoa ngày càng phát triển vì tuổi thọ con người ngày càng cao, nhưng khi nói đến “lão khoa”, hình như người ta quan tâm nhiều đến bệnh tật hơn là đến sự sảng khoái (well being) toàn diện về thể chất, tâm thần và xã hội của người già. Các thầy thuốc lão khoa tuy giỏi chuyên môn nhưng phần lớn chưa đủ già để trải nghiệm, để thưởng thức…cái già, để hưởng thụ …cảnh già!

 

Nhiều lần tôi có dịp chứng kiến cảnh con cháu khóc lóc bên giường bệnh của ông bà, cha mẹ già đang hấp hối ở bệnh viện. Họ tự trách mình và không ít người thốt lên sẵn sàng bán nhà bán cửa để lo cho các cụ! Nhưng tất cả đều đã quá muộn.

 

Thế sao trước đó, khi ông bà, cha mẹ già còn đang sống bên ta, ta lại hờ hững, lơ là đến vậy? Không phải bất hiếu chi đâu, chẳng qua nghĩ: còn lâu! Còn lâu, ông bà, cha mẹ mình mới già, mới lìa xa. Cứ thong thả! Còn biết bao việc “ưu tiên” hơn. Đó là chưa kể khi chung sống không tránh khỏi đôi lúc bực mình: Ăn uống vãi rơi làm họ bực/ Vào ra đụng chạm thấy mình dư (Như Không)!

 

Ngay cả ông bà, cha mẹ già cũng không hề nghĩ mình… già, không biết mình già. Nhất là không ngờ cái già nó có thể “gia tốc”, nó có thể “xồng xộc” đến vậy! Dưới mắt ông bà, cha mẹ già thì con cháu lúc nào cũng là một đứa con nít… còn nhỏ xíu dù “nó” đã 40, 50 tuổi đầu! Còn con cháu cũng nhìn ông bà, cha mẹ già như những “người lớn”, luôn khỏe mạnh!

 

Lại có những người già không muốn bị coi là già, không chịu già. Đi đứng loạng choạng nhưng con cháu đỡ đần thì gạt ra, quát lên “ Tao có già đâu!” để rồi té ngã, gãy cổ xương đùi, gãy khung xương chậu… !

 

BS Đỗ Hồng Ngọc.


 Thứ Tư, Tháng Mười Hai 31st, 2014

 

Nguồn: Trang Bác Sĩ Đỗ Hồng Ngọc

Xem thêm: Sức khỏe

Hình ảnh

Scroll